LỊCH SỬ - VĂN HÓA
Nói đến xã Thọ An là nói đến một vùng quê được hình thành cách đây khoảng hơn 200 năm. Chính nơi đây theo các tài liệu ghi chép lại và qua truyền miệng dân gian cho thấy, Thọ An xưa là một vùng bãi bồi của vùng châu thổ sông Hồng và bên vùng tả ngạn sông Đáy, lau, sậy mọc um tùm, nhưng đây cũng là vùng đất trù phú nằm trên thế đẹp có khả năng sinh kế, canh tác nông nghiệp và khai thác thủy sản. Trải qua hàng trăm năm ấy, cho đến nay Thọ An đã từng bước chuyển mình phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội năm trong địa dư hành chính huyện Đan Phượng- Thành phố Hà Nội. Đây chính là một miền quê có bề dày truyền thống về lịch sử, văn hóa các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo cũng đa dạng, phong phú, nhưng vẫn chung sống hòa thuận, đoàn kết, phát triển quê hương.
Trải dài theo dòng lịch sử hơn 200 năm ấy, nhìn lại cho thấy những nét tổng quan về quê hương và con người Thọ An, có tính cần cù sáng tạo, tích cực trong lao động, sản xuất, phát huy tốt đạo lý “ Uống nước, nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trông cây” của dân tộc Việt Nam, được thể hiện rõ nét từ tầm nhìn và các làm của các bậc tiền nhân, đó là lựa chọn điểm đến khai hoang phục hóa, từ những bãi lau, sậy thành những xóm, làng và những cánh đồng, thửa ruộng trù phú, xanh tươi, đắp đê chắn sóng bảo vệ xóm làng trước các mùa mưa lũ, trải qua bao thế hệ, người Thọ An luôn giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa và đạo lý của dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy giá trí văn hóa tâm linh, lòng biết ơn đối với người có công dựng nước và giữ nước.
Hình ảnh Miếu Đinh Nguyên
Chính vì vậy, ngay từ ngày đầu lập thôn, lập ấp dân nhân Thọ An đã tham gia công đức xây dựng Đền, Miếu thờ nhằm tri ân tới các vị có công với nước đó là Đền An Thịnh thờ Quan Thái sư Trần Quang Khải và duy trì tổ chức hoạt động lễ hội hàng năm vào ngày 10/ 3 và ngày 10/10 âm lịch, và Miếu Đinh Nguyên thờ Nam Uyên Đại tướng quân, lễ hội được tổ chức vào ngày 13/1 và ngày 13/8 âm lịch hàng năm với các hoạt động như tế lễ, dâng hương và các hoạt động của phần hội theo phong tục và truyền thống của địa phương như chọi gà, vật dân tộc, hát thuyền ....
Hình ảnh Đền An Thịnh
Đối với Miếu Đinh Nguyên và Đền An Thịnh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Tiếp nối truyền thông anh hùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các lớp thanh niên lên đường bảo vệ quê hương, Tổ quốc đã ghi công bao gia đình Thương binh- Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ và tại bia tưởng niệm tại các cụm dân cư. Ngoài ra các hoạt động tôn giáo như Hội thành Tin lành, đạo Công giáo, đạo Phật cũng được duy trì và phát huy đảm bảo theo các quy định của pháp luật. Đó là nét đẹp trong việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Đối với phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài của địa phương ngày càng phát triển, tỷ lệ học sinh thi đỗ Đại học hàng năm rất cao, các thế hệ người Thọ An đã trưởng thành và giữ nhiều vị trí công tác trong xã hội hoặc có những doanh nhân thành đạt, nhân dân cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng quê hương, đất nước qua các thời kỳ.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, xã Thọ An hôm nay đã từng ngày khang trang, tươi đẹp, kinh tế phát triển, nhà cao tầng kiên cố theo phong cách hiện đại đã phủ khắp các xóm, thôn, hạ tầng nông thôn ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn, năm 2015 được công nhận xã Nông thôn mới, năm 2020 đạt xã nông thôn mới nâng cao, cho đến nay xã đang phấn đấu đạt nông thôn kiểu mẫu năm 2023. Nhìn lại thành quả đạt được như vậy cho thấy nhân dân Thọ An yêu quê hương, đất nước, bằng sức lực, trí tuệ của mình cùng tô đẹp quê hương. Để mỗi khi ai đến, ai đi đều nhớ về một miền quê đầy dấu ấn tốt đẹp đó
Lương Ngọc Hưng