GIới thiệu chung GIới thiệu chung

Lịch sử hình thành xã Thọ An
Ngày đăng 04/03/2021 | 21:07  | Lượt xem: 5530

Cách đây hàng trăm năm xã Thọ An là bãi sình lầy, lau sậy mọc um tùm được bồi đắp phù xa của 2 dòng sông là sông Đáy, sông Hồng. Qua biến động của thiên nhiên, dòng sông cứ bên lở, bên bồi, dân Thọ An chủ yếu là di cư tránh sạt lở ven sông từ huyện Mê Linh chuyển sang khai hoang, lập làng, lập trại, lập kế sinh nhai và lập thành Tổng Thọ. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền mới được thiết lập với 2 làng Thanh Điềm và Thọ Lão. Đến tháng 1 năm 1947, làng Thanh Điềm hợp nhất với thôn Yên Trung (thuộc La Thạch cũ) thành xã An Điềm. Lúc này, cả khu vực có 2 xã là xã An Điềm và xã Thọ Lão. Đến giữa tháng 6 năm 1949, hợp nhất xã An Điềm và xã Thọ Lão thành xã Thọ An. Ngày 30 tháng 6 năm 1956 tách xã Thọ An thành 2 xã Thọ An và Thọ Xuân . Từ những làng trại nhỏ đến nay cư dân đông đúc sống dải rác và sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích tự nhiên là: 559,12 ha, với 2782 hộ và 12.198 nhân khẩu. Toàn xã lập thành 3 thôn (Tây Sơn, Đông Hải, Bắc Hà) và chia thành 12 cụm dân cư.

Do cư dân chuyển đến sinh sống lập nghiệp từ làng Thọ lão, làng Thanh Điềm và một số lẻ từ các địa phương khác, vì vậy phong tục, tập quán trong thời kỳ phong kiến có sự phân biệt và lĩnh vực hoạt động có nét văn hóa riêng, việc xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo riêng như khu di tích lịch sử Đền An Thịnh, Miếu Đinh Nguyên, Nhà thờ Tin lành và chùa Phúc Lâm. Thông qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dưới sự quản lý của nhà nước, nhân dân trong xã đoàn kết giữa các tôn giáo và cùng thi đua xây dựng quê hương. Qua hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ rồi đến chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, nhân dân và cán bộ xã Thọ An đã kiên cường chiến đấu, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, xã có 13 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 149 liệt sỹ, 100 thương binh, bệnh binh.

Thực hiện công cuộc đổi mới, cán bộ và nhân dân xã Thọ An tiếp tục ra sức thi đua phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên, từ một xã nghèo trong huyện, đến nay cơ bản số hộ nghèo chỉ còn ở tỷ lệ rất thấp, các mô hình kinh tế như chăn nuôi, làm nghề cơ khí, chế biến lâm sản hoặc các vườn trại có quy mô với sự tiếp cận nhanh của nền khoa học kỹ thuật đưa ra thị trường trong và ngoài Thành phố với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như sản xuất Inox, kim khí, chế biến thành phẩm lâm sản, đồng thời có sự chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chăn nuôi các loại con giống như lợn, bò và đẩy mạnh mô hình vườn trại như trồng cam canh, bưởi diễn, táo đào muộn, chuối tây hồng, chuối tiêu hồng, phật thủ....mang lại thu nhập cao cho nhân dân. Bộ mặt của xã nhìn chung cho đến nay thật sự khang trang, sạch đẹp. Hệ thống đường giao thông từ trong thôn, làng, đến giao thông nội đồng cơ bản được bê tông hóa, các trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế đều đạt chuẩn cấp Quốc gia; hệ thống điện sinh hoạt, điện chiếu sáng và điện phục vụ sản xuất nông nghiệp được dàn trải đều trên khắp địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Với sự tập trung cao của các cấp lãnh đạo huyện và xã, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân trong việc phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng nông thôn mới, năm 2014 xã Thọ An đã được Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015.

Các chức danh lãnh đạo:

  • Bí Thư Đảng bộ xã Thọ An: Ông Trần Văn Thanh SĐT 0942082290
  • Chủ Tịch UBND xã Thọ An: Ông Nguyễn Trần Quyết SĐT 0978837696