GIới thiệu chung
Kể từ “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội dù trải qua những biến thiên lịch sử, vẫn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Trong đó, ngày 10/10/1954 là mốc son thắng lợi oanh liệt của quân dân Hà Nội, của cả dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cùng cả nước, Hà Nội đã vượt qua những hy sinh, mất mát của chiến tranh, những gian khổ và thách thức, để ngày nay nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Sau thất bại tại Ðiện Biên Phủ, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và phải rút quân khỏi miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô. Ðúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, tiến về Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô vinh dự giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” dẫn đầu đoàn quân. Hàng vạn người dân Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa, đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử, không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
69 năm sau ngày giải phóng, Hà Nội đang vững bước đi lên, khẳng định vị thế trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế. Các nghị quyết của Đảng bộ Thành phố thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân. Nhờ đó, tới nay kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố ước tính tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 2,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Thành phố đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn. Trong 9 tháng này, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 171,2 nghìn lao động, đạt 105,7% kế hoạch cả năm. Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 16,2 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với kinh phí 58,3 tỷ đồng. Với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu”, Hà Nội đã thu hút gần 3,5 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Với những đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá, việc sửa đổi Luật Thủ đô được kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Thành phố cũng đang tập trung vào công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm: Tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; phát triển Thủ đô gắn liền với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với một số lĩnh vực quan trọng: về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
69 năm qua, tầm vóc, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng nâng cao, khẳng định con đường đi lên của chúng ta hoàn toàn đúng đắn. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo, luôn gương mẫu, đi đầu, xứng đáng với lời Bác dạy: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”.